#44 Năng lực thăng bằng của một con người
Đã có lúc tôi nghĩ rằng bản thân đã trưởng thành, đã thôi không còn những suy nghĩ ngu ngốc và hành động thiếu lý trí. Ấy vậy mà khi bước vào tình yêu, tôi cũng không khỏi phạm phải những sai lầm không đáng có. Tôi nhận ra rằng hóa ra tôi cũng chỉ là một cô gái bé nhỏ giữa vũ trụ rộng lớn này. Tôi vẫn có những cảm xúc như mọi người vẫn có, vẫn biết buồn, biết giận, biết ấm ức mỗi khi chuyện xảy ra không như ý mình.
Cứ sau mỗi lần như vậy, tôi đều cảm thấy day dứt, hối hận và không thể hiểu nỗi tại sao vào thời điểm ấy tôi lại có những suy nghĩ và cảm xúc như thế. Nhưng rồi dần dần, tôi hiểu rằng tôi không nên quá khắt khe với bản thân như vậy. Là con người thì phải có lúc sống theo cảm xúc của mình, không thể lúc nào cũng bình tĩnh và lý trí như một cái máy được lập trình sẵn.
Trong quá trình phát triển bản thân và trưởng thành, sẽ có lúc chúng ta phạm lỗi và mắc sai lầm. Đó vốn dĩ là chuyện hết sức bình thường. Quan trọng là sau đó chúng ta có nhận ra rằng mình đang làm sai hay không. Nếu biết mình đã sai và cố gắng rèn luyện để không sai nữa thì chúng ta đã trưởng thành và phát triển được thêm một chút.
Và tôi nhận ra, những sai lầm mà tôi phạm phải sau này đều ít nghiêm trọng hơn những sai lầm cũ. Ví dụ như trước kia khi tôi không hài lòng điều gì về người yêu, tôi sẽ bắt đầu giận dỗi, trách móc rồi làm mình làm mẫy để họ phải chiều theo ý mình. Rồi sau đó một thời gian, tôi không còn giận dỗi nữa mà chuyển sang tranh luận đúng sai với mong muốn đối phương thay đổi.
Và rồi sau nhiều lần điều chỉnh bản thân thì đến thời điểm này, tôi không còn giận dỗi mà cũng không tranh luận đúng sai, tôi chỉ chia sẻ cảm xúc của mình về chuyện khiến tôi không hài lòng cho đối phương nghe. Khi nói ra cảm xúc của mình, tôi không có mong muốn hay yêu cầu đối phương phải thay đổi, tôi chỉ muốn họ hiểu được tôi sẽ cảm thấy như thế nào khi họ làm như vậy mà thôi.
Và nếu như họ đã biết điều đó rồi mà vẫn làm tôi tổn thương, thì có nghĩa giữa chúng tôi không có tình yêu. Tôi không bắt họ thay đổi, không phán xét con người của họ, nhưng tôi sẽ không chọn họ là người đồng hành với tôi trong thời gian tới.
Trước đây tôi cứ nghĩ khi mình đạt đến level đó là đủ trưởng thành rồi, nhưng dạo này tôi mới nhận ra tôi nên phát triển thêm một bậc nữa. Đó là tôi phải đủ sự thăng bằng để ít có vấn đề khiến tôi buồn, tổn thương hay không hài lòng về người bạn đời của mình.
Tôi nhận ra rằng, hóa ra cũng cùng là một vấn đề như thế, nhưng có người thì xem nó là một vấn đề rất nghiêm trọng rồi tổn thương, có người thì thấy cũng là vấn đề nhưng không lớn lắm, có người lại thấy nó không là một vấn đề để mình bận lòng luôn.
Tôi nhớ vài ngày trước tôi có call nói chuyện với một người bạn. Hai đứa tâm sự với nhau về cuộc sống dạo này. Nói một hồi thì cô bạn ấy có kể về chuyện tình cảm của mình.
Cô ấy bảo mình mới có người yêu và đang rất hạnh phúc, cả hai khi rảnh là nhắn tin và gọi điện trò chuyện suốt. Người yêu luôn chủ động làm mọi thứ, kể cả việc mang vớ cô ấy cũng không phải động tay. Khi đi chơi thì người yêu luôn là người chuẩn bị, lên kế hoạch, chọn địa điểm và cô ấy chỉ việc đi thôi.
Tôi nghe mà vui lây vì trên ánh mắt của cô ấy không giấu nỗi sự hạnh phúc. Thế rồi cô ấy mới hỏi về chuyện của tôi. Tôi cũng thành thật trả lời là tôi với người yêu chỉ thường nói chuyện một chút trước khi ngủ thôi, một tuần thì gặp nhau hai ba lần gì đấy, có lúc thì tôi chọn địa điểm, có lúc thì người yêu chọn.
Tôi đang kể nửa chừng thì cô bạn liền chặn ngang: "Ủa sao kỳ vậy?". Tôi mới ngớ người theo hỏi lại: "Sao kỳ?". Xong cô bạn mới tuôn một tràn rằng yêu nhau phải như thế này như thế kia chứ, nếu là cô ấy thì sẽ không thể chấp nhận được điều đó đâu.
Sau đó tôi cũng ngồi lắng nghe ý kiến của cô bạn, rồi nghĩ trong bụng: "Vậy là tình yêu của mình đang có vấn đề thiệt hả ta?". Và rồi tôi bắt đầu có những suy nghĩ rất tiêu cực về tình yêu của mình, trong khi trước đó tôi còn không thấy những việc đấy là một vấn đề gì lớn và luôn nghĩ bản thân đang rất thăng hoa trong chuyện tình cảm.
Tôi kể chuyện này để các bạn nhận thấy rằng: Vấn đề chỉ là vấn đề khi các bạn nghĩ nó là một vấn đề. Đôi khi có những chuyện vốn rất bình thường, nhưng có người sẽ xé to ra, có người lại thấy không đáng để bận tâm, hoặc thậm chí là còn chưa từng suy nghĩ đến.
Khi chúng ta càng thăng bằng bao nhiêu thì sẽ ngày càng có ít vấn đề xuất hiện trong cuộc sống của mình bấy nhiêu. Không phải vì cuộc sống của chúng ta may mắn hay dễ dàng hơn đâu, mà là do chúng ta không nhận thấy những điều đó như một vấn đề cần phải bận tâm hay phiền lòng.
Và khi trong cuộc sống, trong mối quan hệ mà ít có vấn đề mâu thuẫn phát sinh, thì bạn nghĩ nó sẽ tốt đẹp lên hay xấu dần đi?
Các bạn đừng hiểu nhầm rằng khi chúng ta trở nên thăng bằng thì mình sẽ bị dễ dãi và nhu nhược, khi có thể để người khác đối xử tùy ý với mình sao cũng được.
Dễ dãi và nhu nhược là dù người khác đối xử tệ với mình nhưng mình vẫn chịu đấm ăn xôi vì sợ mất mối quan hệ, sợ không có ai bên cạnh. Chúng ta bị phụ thuộc cảm xúc vào một mối quan hệ hay một đối tượng nào đấy đến mức đánh mất đi lòng tự trọng.
Trong khi thăng bằng lại thiên nhiều về sự chấp nhận. Chúng ta chấp nhận mọi thứ đến với chúng ta mà không kỳ vọng, áp đặt chúng phải diễn ra theo đúng ý mình. Nhưng song song đó chúng ta hiểu rằng bản thân luôn có quyền được lựa chọn. Chúng ta chấp nhận rác là rác nhưng không có nghĩa chúng ta phải đem rác vào nhà.
Khi một người thăng bằng nhận thấy họ không được tôn trọng, họ vẫn sẽ không tức giận hay chỉ trích đối phương, nhưng họ sẽ từ chối ở cạnh một người như vậy. Bởi vì bản thân họ luôn có sự độc lập và hạnh phúc tự thân, họ không bị phụ thuộc hay sợ mất một mối quan hệ thiếu chất lượng như thế.
Nhận xét
Đăng nhận xét