#30 Nguồn gốc của nỗi đau chính là sự phụ thuộc



Khi đi dạy được hơn nửa năm, tôi ít nhiều đã tích luỹ cho mình được những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết và hơn hết là các mối quan hệ. Một lẽ đương nhiên, mối quan hệ gắn bó với tôi trong công việc nhất đó chính là các bạn học viên.

Khi bắt đầu đi dạy, tôi dường như chẳng có mong đợi gì về những mối quan hệ này. Nhưng rồi bằng một cách nào đó, các bạn học viên đều rất yêu quý tôi. Và khi cảm nhận được điều này, bên trong tôi có một niềm vui sướng không thể tả. 

Rồi theo thời gian, tôi cũng bắt đầu đầu tư “cảm xúc” (tình cảm) của mình vào những mối quan hệ này. Và tôi nhận ra, những mối quan hệ này đã bắt đầu đủ sức khiến tôi buồn và bận lòng vào nó.

Nó cũng giống như cảm giác khi tôi bị phụ thuộc cảm xúc vào bố mẹ, bạn bè và người yêu trước đây vậy. (Hãy nghe podcast #1 của tôi để hiểu thêm về sai lầm này)

Tức là chỉ cần một động thái nhỏ của các bạn học viên thì cũng đủ khiến tôi suy nghĩ, bận lòng, vui sướng hay thậm chí là đau buồn vì những điều đó.

Khi bạn đặt tình cảm và cảm xúc của mình vào một điều gì đó quá mức, thì khi nó đang tươi tốt phát triển, bạn hò reo vui mừng. Còn khi nó héo úa thất bại, bạn bắt đầu rơi vào trạng thái kiệt quệ và đau khổ.

Hiện tại thì những bạn học viên đều đang rất yêu quý tôi, nhưng tôi lại có một nỗi lo sợ rằng nếu một ngày nào đó họ quay lưng đi, không còn thích học cùng tôi nữa, hoặc khi tôi dạy hết khoá và chúng tôi không còn liên lạc nữa… thì sao?

Chỉ mới tưởng tượng thôi mà nỗi buồn đã vây kín trong lòng. Tôi nhận ra rằng đây đích thực là cảm giác “bị phụ thuộc cảm xúc”. Rằng tôi đang tiếp tục đi vào ngõ cụt, tiếp tục mắc phải sai lầm mà tôi đã từng trả giá rất đắt trước đây.

Cũng thật may mắn vì tôi đã kịp nhận ra khi chưa quá muộn. Tôi vẫn đủ tỉnh táo để có thể điều chỉnh lại bản thân mình ngay lúc này.

Vậy nên chốt lại, nếu bạn đang cảm thấy buồn phiền vì một đối tượng hay sự việc nào đấy, kiểu như nó ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn quá nhiều, thì đó có thể là do bạn đang bị phụ thuộc cảm xúc vào những điều đấy.

Khi bạn đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức và đặc biệt là tình cảm của mình vào một điều gì đó quá mức, bạn sẽ đặt kỳ vọng vào sự phát triển của nó. Và nếu như nó không phát triển theo đúng hướng mà bạn muốn, bạn sẽ tổn thương và đau lòng.

Đó là cách cảm giác “bị phụ thuộc cảm xúc” hình thành. Vậy nên để không bị ảnh hưởng cảm xúc từ bất kỳ một đối tượng hay sự việc nào, bạn cần phải học cách đầu tư “tình cảm” của mình hợp lý.

Hãy hiểu rằng tất cả mọi mối quan hệ như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các khía cạnh như công việc, tài chính, tình yêu… đều là “những chấm nhỏ” tạo nên sự muôn màu trong cuộc sống của bạn.

Chúng ta không thể sống hạnh phúc nếu thiếu đi một trong những chấm nhỏ này nhưng đừng quên về bản chất thì chúng cũng chỉ là những chấm nhỏ.

Đừng bao giờ biến “những chấm nhỏ” này thành “một chấm lớn” duy nhất. 

Hãy phân chia nguồn năng lượng, sự đầu tư, tình cảm và cảm xúc của bạn một cách đồng đều giữa những chấm nhỏ.

Chỉ khi làm được điều này một cách thành thạo và tự nhiên như bản năng của mình, bạn sẽ bớt đi những phiền muộn, bớt đi những tổn thương không đáng có do cảm giác bị phụ thuộc mang lại.

Hãy luôn nhớ rằng:

Để được sống một cuộc đời hạnh phúc, bạn phải thực sự được tự do. Mà để có thể sống được một cuộc đời tự do, bạn phải rèn luyện được cho mình một khả năng độc lập. 

Và độc lập tức là:

Bạn không bị phụ thuộc vào bất kỳ điều gì ngoại trừ thân xác và tâm hồn của bạn.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến