#25 Để có thể trở nên thông tuệ hơn khi đọc sách

Tôi là một người rất thích đọc. Đọc ở đây không chỉ từ sách mà còn bao gồm tất cả những bài viết trên mạng xã hội, các bài báo, blog khác nữa. Mỗi khi có chuyện buồn hay gặp vấn đề khó khăn nào đó trong cuộc sống, tôi lại càng đi tìm kiếm và đọc nhiều hơn. Bởi vì các bài viết ấy phần nào giúp tôi tạm thời rời xa những điều tiêu cực. Mặt khác nó cũng chính là câu trả lời cho những vấn đề khó khăn mà tôi đang gặp phải.

Khoảng nửa năm trước, tôi rất hay cảm thấy chênh vênh và mất phương hướng đối với tương lai của mình. Tôi không biết mình thích gì, phù hợp với công việc gì, cũng chẳng có ước mơ hay hoài bão gì cả. Thế rồi một ngày nọ, trong lúc đang lướt facebook một cách buồn chán, tôi chợt thấy một bài viết có tiêu đề rất thu hút: “Không có ước mơ cũng không sao cả, miễn bạn hạnh phúc là được.” Tuy tôi chẳng biết bạn tác giả là ai, có quan điểm và lối sống như thế nào, nhưng thực sự bài viết của bạn đó đã chữa lành và an ủi tôi vào thời điểm ấy rất nhiều. Tôi cảm thấy bản thân được chia sẻ, được cảm thông một cách sâu sắc sau khi đọc xong bài viết ấy.

Cũng có thể vì lý do đó mà những lúc gặp chuyện không vui tôi ít khi chia sẻ và tâm sự với người khác mà thường một mình tìm sách hoặc nơi nào đó có nhiều bài viết hay để đọc. Tôi đọc để chiêm nghiệm, để tìm cách giải quyết, để chữa lành, để học hỏi, để được thưởng thức cuộc đời qua lăng kính và góc nhìn của người khác.

Đôi khi chúng ta còn trẻ người non dạ không biết con đường nào là đúng đắn, việc đọc những bài chia sẻ kinh nghiệm của những người đi trước là một chuyện rất nên làm. Cũng có lúc chúng ta cảm thấy phân vân giữa những quan điểm trái chiều của xã hội, không biết cái nào đúng cái nào sai, việc đọc sẽ giúp mình nhìn nhận từng quan điểm khác nhau của từng tác giả, từ đó giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều và khách quan hơn.

Thế đấy, việc đọc là không thể thiếu được trong cuộc sống mỗi người. Dù đọc ít hay đọc nhiều thì chúng ta cũng đều đang tích lũy cho bản thân những điều có giá trị và hữu ích. Vì vậy, hãy cứ đọc mọi lúc mà bạn cảm thấy rảnh rỗi, thuận tiện. Đặc biệt là những lúc bạn đang cần lời khuyên, chênh vênh thì lại càng phải tìm sách hay mà đọc.

Có một câu nói của chị Rosie Nguyễn trong cuốn sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều, đó là: "Không phải ai đọc sách cũng đều thành công, nhưng lại có một sự thật rõ ràng khác là những người thành công thường đọc rất nhiều sách." 

Khi nghe câu nói này, trong đầu tôi đã luôn thắc mắc một điều: Tại sao có người đọc sách nhiều liền trở nên thông tuệ và thành công hơn, còn người khác thì không?

Tôi thừa nhận rằng việc đọc có thể giúp chúng ta nhiều thứ, nhưng điều đáng buồn là nó không thể thay đổi cuộc đời và vận mệnh của chúng ta. Nó giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều, nhưng chọn nghe và sống theo quan điểm nào lại xuất phát từ chính bản thân mỗi người. 

Cũng giống như bài viết mà tôi vô tình đọc được khi lướt facebook lúc trước, mục đích của tác giả khi ấy đơn thuần chỉ là muốn an ủi và chữa lành cho những bạn còn đang chênh vênh trong cuộc đời, hoàn toàn không có ý ủng hộ việc giới trẻ sống một cách vô trách nhiệm, hời hợt, không có mục tiêu hay theo kiểu “sống hôm nay, chẳng biết ngày mai” như thế. Ấy vậy mà vẫn có nhiều bình luận không hay chỉ trích tác giả về vấn đề này. Các bạn thấy đấy, cùng là một bài viết, cùng là một tác giả truyền đạt như nhau, nhưng người đọc nhận được điều gì lại là sự lựa chọn của chính họ.

Đọc không giúp chúng ta giỏi hơn, hiểu và áp dụng chúng như thế nào mới là điều khiến chúng ta thay đổi. Chính vì vậy, lời khuyên của tôi là bạn đừng chỉ đọc bằng mắt mà hãy đọc bằng cả trái tim và tâm hồn của mình. Mỗi khi đọc xong một bài viết nào đó, hãy chắc chắn rằng bạn đã ngộ ra một điều gì đó trong cuộc sống, hoặc chí ít là hiểu rõ những “giá trị tích cực” mà tác giả muốn truyền đạt. Có như vậy, việc đọc mới trở nên ý nghĩa và đảm nhiệm đúng vai trò của nó, đó là mang lại những giá trị tuyệt vời cho mọi người.

Trong lúc đọc, chúng ta cũng nên cố gắng bỏ qua cái tôi cá nhân, tạm quên đi những quan điểm vốn có của bản thân để đón nhận nội dung bài viết một cách khách quan nhất có thể. Tôi không bảo chúng ta phải tin 100% vào những gì chúng ta đọc, bởi lẽ chúng cũng chưa hẳn là một điều đúng đắn trên tất cả mọi phương diện. Quy tắc này đơn giản chỉ là bạn chịu khó “mở lòng” mình ra một chút, cố gắng nhìn nhận những gì mình đọc được bằng cái nhìn khách quan, không phán xét đúng sai phải trái quá gay gắt. Nếu bạn cảm thấy quan niệm của bài viết hay quyển sách nào đó không đúng với mình, bạn có thể dừng việc đọc chúng lại. Thế thôi, đâu có ai bắt bạn phải sống theo những gì người khác viết đâu mà lo. 

Điều mà tôi muốn nhắn nhủ đến bạn, đó là đừng chỉ trích hay khinh bỉ những quan điểm và lối sống của người khác. Chúng có thể không phù hợp với bạn, không hữu dụng với bạn, thế nhưng việc bạn tranh cãi và tỏ thái độ coi thường quan điểm của người khác là một việc làm rất thiếu văn hóa. Thậm chí, nó chỉ làm tốn thời gian và kéo bạn xuống vũng lầy chứ chẳng giúp ích được gì. Những người mà bạn chỉ trích kia họ vẫn sống theo cách họ muốn, vẫn giữ vững quan điểm cho đến khi tự bản thân họ cảm thấy muốn thay đổi mà thôi. 

Cuối cùng, để trả lời cho câu hỏi: “Tại sao có người đọc sách nhiều liền trở nên thông tuệ hơn, còn người khác thì không?”, tôi đành phải dùng một câu nói của chị Vãn Tình trong cuốn sách Khí chất bao nhiêu - Hạnh phúc bấy nhiêu: “Một người biết suy nghĩ sẽ không bao giờ vơ đũa cả nắm, mù quáng rập khuôn, mà chỉ tìm ra điểm hữu dụng cho bản thân từ các quan điểm mà thôi.” 

Vậy cho nên, nếu bạn muốn trở nên thông tuệ hơn sau khi đọc sách hay bất cứ bài viết nào, bạn phải có năng lực đúc kết và tự chiêm nghiệm ra thông điệp cho chính mình. Cũng như con người và vạn vật, không có một quan điểm nào là hoàn hảo tuyệt đối đối với tất cả mọi trường hợp. Nếu bạn chỉ nhìn thấy những điều tiêu cực từ quan điểm của người khác rồi vơ đũa cả nắm, cho rằng chúng sai, chúng thế này thế nọ… thì dù cho bạn có đọc hàng nghìn quyển sách hay tiếp nhận hàng triệu quan điểm, tư duy của bạn cũng chỉ dừng lại ở điểm xuất phát ban đầu mà thôi. 

Đọc nhiều là một thói quen tốt mà bạn nên rèn luyện và duy trì nó mỗi ngày. Tuy nhiên, để đọc một cách hiệu quả thì bạn còn cần nhiều thứ hơn là chỉ ngồi đó và đọc. Hãy luyện tập thói quen tự suy nghĩ, tự suy ngẫm nhiều hơn. Và quan trọng nhất là hãy đón nhận các bài viết và tác phẩm dưới cái nhìn đa chiều và khách quan nhất, để từ đó có thể rút ra cho mình những thông điệp và bài học riêng biệt mang đậm tính cá nhân. Chúc các bạn thành công!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến