#24 Không cần lương thiện với những người không đáng


Trước đây, tôi có tham gia một kỳ thi để lấy một loại chứng chỉ tiếng Anh trong nước (thứ giúp tôi mưu sinh cho đến bây giờ). Ở phần thi Listening, tôi ngồi cạnh một bạn đang bị bệnh nên cứ ho suốt. Tôi cảm nhận được bạn ấy đã rất cố gắng khống chế cơn ho nhưng những tiếng “khụ khụ” vì cổ họng đang giày xé vẫn không cách nào kìm nén nổi. 

Một bạn nữ khác ngồi cách chúng tôi một dãy ghế bèn lớn tiếng nói với người gác thi, cố tình cho cả phòng và bạn đang bị bệnh kia nghe thấy: “Thầy ơi, bạn đó cứ ho suốt làm em không nghe thấy gì cả!”. Từ giọng nói lẫn biểu cảm trên gương mặt, không khó để nhận ra sự tức giận và kỳ thị của cô gái này dành cho cậu bạn kia. 

Người gác thi lúc này bị “đứng hình mất 5 giây”, nhưng không phải vì say nắng cô gái kia mà là do anh ta chẳng biết phải giải quyết như thế nào. Chẳng lẽ cấm bạn đó không được ho nữa, người ta bị bệnh mà chứ có phải cố ý đâu? Hay là phải đuổi bạn ấy đi để trả lại không gian yên tĩnh cho cả phòng? Cơ mà bạn ấy cũng là thí sinh dự thi, có đóng phí đàng hoàng mà nhỉ? 

Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, người gác thi cũng đáp như không đáp: “Em thông cảm nhé, lần sau nhà trường sẽ chú ý hơn”. Trong đầu tôi lúc ấy thấp thoáng một suy nghĩ khá buồn cười: Chắc lần sau nhà trường sẽ ghi một dòng chú ý ở trước cửa, rằng “Thí sinh nào đang bị bệnh, đặc biệt là ho vui lòng không được tham gia dự thi” quá. 

Sau khi nghe bạn nữ kia phàn nàn, cậu bạn bị bệnh kia càng cố gắng kìm nén cơn ho hơn. Thậm chí, cậu ta còn cố tình mím chặt môi lại khi ho để âm thanh phát ra nhỏ hết mức có thể. Tôi ở cạnh nhìn thấy cảnh này mà trong lòng cảm thấy thật thương cảm. Chắc cậu ấy mệt mỏi lắm khi đã bị bệnh như vậy còn phải cố gắng tập trung làm bài. Đã thế lâu lâu còn phải nhìn ngó xung quanh xem mình có làm ảnh hưởng đến ai hay không. Những giọt mồ hôi nặng trĩu cứ thế lăn dài trên trán rồi dần dần trượt xuống hai má cậu ấy (mặc dù cả phòng thi lúc này có bật điều hoà và tôi cảm thấy rất lạnh).

Lúc thi xong, tôi có gặp cậu bạn bị bệnh đó ở hành lang, khu vực dành cho thí sinh ngồi chờ. Nhìn thấy môi cậu ấy khá nhợt nhạt và khô khốc, tôi bèn đưa chai nước suối trước mặt cậu ấy: “Cậu muốn uống không?”. Cậu ấy liền xua xua tay: “Thôi thôi, mình đang bị cảm, nếu uống cùng thì sẽ lây cho cậu mất.” Tôi liền có cảm tình với cậu ta hơn, đáp: “Không sao, chúng ta không uống chung, cái này là mình tặng cậu.” 

Do dự một hồi cậu ấy cũng cầm lấy chai nước rồi nói cảm ơn tôi. Vừa uống xong vài ngụm nước, cậu ấy bèn ngại ngùng hỏi: “Lúc nãy có phải mình khiến cậu không làm bài được không?”. Tôi cười rồi bảo rằng tôi làm bài rất tốt, hoàn toàn không bị ảnh hưởng. 

Sau đó, tôi còn nói thêm: “Cậu đừng nghĩ ngợi nhiều, mình là người ngồi gần cậu nhất, nhưng thật sự âm thanh trong tai nghe rất lớn, đủ để át đi tiếng ho của cậu mà.” Cậu ấy nhìn tôi, vẻ mặt buồn rười rượi: “Cậu không cần nói dối để an ủi mình, chẳng phải bạn nữ kia ngồi xa mình thế mà vẫn bị ảnh hưởng đó sao?”. Tôi lại cười, bảo rằng cũng có thể do tai nghe bạn nữ ấy có vấn đề nên âm thanh không được lớn, chân thành khuyên cậu ấy đừng cảm thấy có lỗi nữa. 

Tuy không tranh luận tiếp nhưng tôi biết trong lòng cậu ấy vẫn đang cảm thấy rất buồn. Tôi thật sự không hiểu tại sao trên đời lại có nhiều chuyện “lạ lùng” đến như thế: Kẻ sai trái thì không cảm thấy ăn năn, người không có lỗi thì lại luôn dày vò day dứt. Ngẫm lại mà nói thì tôi đã gặp không ít trường hợp như vậy rồi. Đủ mọi tình huống, nhưng suy cho cùng thì cũng đều “ngược đời” tương tự như câu chuyện trên. 

Nếu là người ngoài nhìn vào - như tôi đây, thì sẽ không khó để kết luận rằng ai là người có lỗi hơn trong câu chuyện đó. Thật lòng mà nói, bạn nữ kia có vô vàn cách để phàn nàn về việc mình không nghe rõ, nhưng cô ấy lại chọn cách mà tôi cho là thiếu tế nhị và vô duyên nhất, đó là đổ hết mọi tội lỗi cho cậu bạn bị bệnh kia. Cô ấy hoàn toàn có thể nhẹ nhàng nói rằng: “Thầy ơi, thầy kiểm tra tai nghe này giúp em với, sao em nghe không rõ lắm!” hoặc là “Mình có thể điều chỉnh âm thanh lớn hơn một chút được không ạ, em nghe không được rõ?”. 

Ngược lại, với cậu bạn kia, dường như không còn cách nào khác để khống chế cơn ho, cậu ấy cũng chọn cách mím chặt môi để ít gây ảnh hưởng cho mọi người nhất. Thử đặt trường hợp người bị bệnh là cô gái kia, liệu cô ấy có biết điều như thế không? Hay cô ấy lại tức giận mà quát lên khi bị người khác góp ý, rằng: “Tôi bị bệnh cơ mà sao có thể kìm nén cho được?”.

Thế mới nói, cuộc đời thật là kỳ lạ làm sao: Người làm sai luôn tin rằng mình đúng và người làm đúng thì cứ sợ rằng mình đã sai. Nếu tôi là chàng trai bị bệnh kia, thì khi bị chỉ trích một cách ác ý như vậy, tôi sẽ không lương thiện mà tự nhận lỗi về mình. Tôi sẽ tranh luận với cô gái ấy đến cùng hoặc ít nhất cũng không tự trách bản thân rồi buồn phiền nhiều như vậy. Tôi không nhu nhược đến mức lại đi tử tế với những người không biết cách cư xử. 

Nếu đọc đến đây mà bạn cho rằng tôi quá “dữ dằn” thì hãy nghe qua câu chuyện ngụ ngôn này trước khi đưa ra kết luận. Câu chuyện ấy kể rằng: “Ngày xưa có một ông lão nhìn thấy con rắn đang sắp chết cóng bên đường, lòng thương cảm trào dâng nên ông bèn ôm lấy nó để sưởi ấm, mong là sẽ cứu sống được nó. Khi cơ thể ấm lên và dần tỉnh lại, con rắn liền cắn ông lão một cái rồi chạy đi. Cuối cùng, ông lão trúng độc từ con rắn ấy rồi qua đời.” 

Nhiều người khi nghe câu chuyện trên sẽ vội chỉ trích con rắn là vong ân bội nghĩa. Rõ ràng ông lão là ân nhân cứu mạng, thế mà nó lại lấy oán báo ân. Riêng tôi thì lại cảm thấy ông lão xứng đáng có được kết cục đó. Bởi lẽ những việc ông ta làm, thật ra không phải là nhân hậu hay tốt bụng gì mà là ngu ngốc và không biết suy nghĩ. 

Bản năng của con rắn là sẽ cắn người nếu người đó lại gần nó. Ai ai cũng hiểu điều đó, chỉ riêng ông lão là không hiểu. Và cái giá phải trả cho sự ngu ngốc đó chính là cái chết. Bài học rút ra từ câu chuyện này đó chính là chúng ta không nên đối xử tốt với những người không đáng được đối xử tốt. Nếu cứ nhất quyết cho rằng “bởi vì tôi lương thiện nên tôi có thể bao dung cho họ được” thì có lẽ cái giá mà bạn phải trả sẽ tương tự như ông lão trong câu chuyện trên.

Bản chất của rắn thì vẫn là cắn người, và bản chất của người không biết điều thì mãi mãi sẽ là không biết nhận lỗi. Đối với loại người này, họ luôn có một niềm tin bất di bất dịch rằng: “Cả thế giới này đều sai, chỉ riêng tôi là luôn đúng.” Nếu lương thiện với loại người này thì bạn chỉ đang củng cố niềm tin ấy cho họ thêm mà thôi. Vậy nên suy cho cùng, việc bạn tử tế như vậy không những không giúp ích được gì mà còn góp phần khiến nhiều người xấu càng trở nên tệ hại hơn. 

Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói với bạn rằng: Lương thiện thì không sai, nhưng đối xử tốt với người xấu thì sẽ là ngu ngốc, là nhu nhược. Tôi mong những bạn trẻ đang đọc bài viết này sẽ nhận ra được đạo lý đó. Chúng ta vốn không phải thánh nhân, đã là con người bình thường thì cần biết nhân từ đúng lúc và phẫn nộ đúng chỗ. Đừng bao giờ dùng sự lương thiện của bạn để bao dung cho kẻ xấu và những việc làm sai trái. Bởi vì điều đó sẽ giúp cho cái ác lên ngôi và thế giới này ngày càng có nhiều người xấu hơn mà thôi. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến