#23 Hãy cho đi trong sự tự nguyện


Hôm trước có một bạn thính giả nghe kênh podcast của tôi, tình cờ tìm thấy blog sau đó đọc được bài viết Đang "yêu" hay muốn "được yêu"? đã gửi mail về cho tôi với nội dung như thế này:

"Em cảm ơn những bài viết và các số podcast của chị, nó đã giúp em vượt qua khoảng thời gian rất khó khăn sau khi chia tay. Nhưng em có thắc mắc một chút về bài viết gần đây của chị. Có phải chị đang khuyến khích mọi người khi yêu phải nên cho đi thật nhiều và đừng mong cầu nhận lại đúng không ạ? Vậy nếu như mình cứ cho đi hoài mà vẫn không nhận lại được gì thì có phải là ngu ngốc lắm không chị?"

Thư em viết rất dài, nhưng tóm gọn lại thì chỉ có hai nội dung chính. Một là bày tỏ sự biết ơn về những thứ tôi đang làm, hai là đặt câu hỏi và mong được giải đáp.

Vậy nên, tôi viết bài viết này để làm rõ thắc mắc của em, cũng như bày tỏ sự trân trọng vì em đã ủng hộ và thưởng thức những điều tôi đang làm.

Thật ra ngay chính trong câu hỏi của em đã có câu trả lời. 

Liệu rằng khi em "cho đi" nhưng lại mong muốn mình phải được "nhận lại" thì nó có còn là sự "cho đi" nữa hay không? Đối với tôi, tôi định nghĩa điều đó là sự "trao đổi", tức có qua có lại. Còn bản chất của sự "cho đi" thì nó đã không bao gồm việc phải được "nhận lại" rồi. 

Nếu em cảm thấy mình có đủ nguồn lực và tình thương yêu để "cho đi" thì mình cho thôi.

Nó cũng giống như việc mình đi làm từ thiện. Mình có ít tiền thì mình cho đi bằng sức lao động. Mình có nhiều tiền thì mình cho đi nhiều tiền hơn.

Hoặc nếu cả đời này mình không làm từ thiện (tức không cho đi) thì cũng chẳng có gì là sai trái cả. Miễn mình không làm gì tổn hại đến người khác là được rồi.

"Cho đi" cần sự tự nguyện. Nếu mình không "tự nguyện" mà lại ép bản thân phải "cho đi", thì chắc chắn mình sẽ mong cầu được "nhận lại". Nguyên lý đơn giản chỉ có vậy thôi đó.

Vậy nên, việc mình cho đi mà mãi không nhận lại được gì thì nó không phải là điều gì "ngu ngốc" cả. Bởi vì chúng ta cho đi trên danh nghĩa của "sự tự nguyện", mà đã là tự nguyện thì đâu có ai ép mình phải làm đâu. 

Nếu cảm thấy việc "cho đi" đó không đem lại "niềm vui" cho mình nữa thì cứ dừng lại. Hoặc mình chuyển đối tượng, thay đổi cách cho, đủ thứ hết.

Và có một sự thật hơi phũ phàng thế này: 

Khi em cảm thấy việc "cho đi" quá nặng nề, quá bất công, quá ngu ngốc thì điều đó chứng tỏ bên trong em chưa thực sự đủ tình yêu thương dành cho đối tượng được nhận.

Chúng ta đâu phải là thánh nhân mà gặp ai mình cũng thương, gặp ai mình cũng cho đi mà không cần nhận lại. Chỉ khi chúng ta gặp đúng người mà thôi, cái người mà mình thật sự "yêu" ấy.

Và chỉ khi em gặp được người cho em cảm giác yêu thực sự, em sẽ thấy việc "cho đi" rất là nhẹ nhàng. Thậm chí, em còn cảm thấy hạnh phúc khi em cho đi nữa.

Vậy thì hoá ra, em "cho đi" là bởi điều đó không những đem lại niềm vui, hạnh phúc cho chính bản thân mình mà nó còn đem đến giá trị cho những người được nhận. Vậy thì việc cho đi "ngu ngốc" ở chỗ nào?

Cũng giống như khi tôi quyết định viết blog và làm podcast, tôi không chỉ làm nó vì người khác, vì muốn trao đi giá trị cho cộng đồng mà tôi còn làm vì chính bản thân mình. 

Khi làm podcast và viết blog tôi cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, yêu đời hơn rất nhiều. Và nó không những chẳng ảnh hưởng đến ai mà còn giúp đỡ họ ở một khía cạnh nào đó nữa.

Chẳng lẽ khi tôi không nhận được bất kỳ khoản tiền hay lợi ích nào từ việc làm podcast và blog mà tôi cứ tiếp tục làm là do tôi "ngu ngốc" hay sao?

Không!

Tôi làm vì tôi thấy vui và tôi tự nguyện làm như thế. Vậy nên đó không phải là "sự ngu ngốc", đó là "sự lựa chọn" của tôi.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến